Mới sinh con được 6 ngày, chị Hà Thị Hiển đã bị một nhóm trên Zalo và Telegram lừa mất hơn 300 triệu đồng. Mặc dù chiêu thức lừa đảo gọi đ...

 

Mới sinh con được 6 ngày, chị Hà Thị Hiển đã bị một nhóm trên Zalo và Telegram lừa mất hơn 300 triệu đồng.

Mặc dù chiêu thức lừa đảo gọi điện thông báo trúng thưởng, được tặng quà tri ân miễn phí đã được nhiều phương tiện truyền thông và cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn có một số người chưa biết đến hoặc thiếu cảnh giác nên “mắc bẫy”, với số tiền bị mất lên đến vài trăm triệu đồng.

Rất nhiều các trang đã cảnh báo từ trước,chiêu cũ nhưng người mới


Thủ đoạn giăng bẫy lừa đảo



Chị Hà Thị Hiển (SN 1998, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) gần đây bị một nhóm lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội Zalo và Telegram chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng.

Cụ thể, vào sáng ngày 21/10, chị Hiển nhận được một cuộc gọi từ đầu số 02, giới thiệu là bên nhãn hàng Panasonic gọi đến với nội dung, công ty gửi tặng đại lý một món quà nhân dịp kỉ niệm ngày phụ nữ Việt Nam (20/10) và đề nghị chị Hiển kết bạn Zalo để gửi chị danh sách quà tặng.

 Vì gia đình kinh doanh mặt hàng điện tử và đồ gia dụng nên chị Hiển không hề nghi ngờ mà đã đồng ý kết bạn Zalo ngay. Sau khi chọn quà là một bộ ba nồi inox, chị tiếp tục được hướng dẫn cài đặt Telegram, vào nhóm để nhận mã quà tặng. Đến sáng hôm sau (22/10) chị Hiển đã nhận được quà là bộ ba nồi inox như đã lựa chọn.


Món quà "bất thình lình" Hiển nhận được từ người xa lạ khiến cô không cảnh giác mà bị cuốn vào trò lừa đảo trên mạng

Chị Hiển được mời kết bạn Zalo để nhận quà tặng miễn phí.



Tiếp đó, trong nhóm Telegram, một người xưng là quản lý cho hay, tất cả các thành viên sau khi nhận được quà lần một sẽ có cơ hội nhận thêm một phần quà giá trị nữa, danh sách quà tặng gồm máy rửa bát, tủ lạnh, ghế mát xa, máy giặt…, kèm theo đó là cơ hội bốc thăm trúng thưởng xe máy, vàng,… Ngoài ra, người quản lý này cũng hướng dẫn mọi người trong nhóm chơi mini game đuổi hình bắt chữ để nhận quà, mỗi câu trả lời đúng sẽ được tặng 30 nghìn đồng vào tài khoản. Sau đó, người quản lý tiếp tục hẹn mọi người đến 15h ngày 23/10 vào nhóm để dự sự kiện tri ân và bốc thăm trúng thưởng.


"Chuyện tới đây mới là sự bắt đầu… Vào lúc 15h chiều ngày 23/10, khi tôi đang bận chăm con thì người quản lý gọi điện vào nhóm nhận quà. 15h30' tôi vào nhóm thì thấy có hơn 100 thành viên, họ đang thi nhau khoe quà và số tiền được tặng do chơi mini game.

Sau đó, bọn họ nói muốn nhận được quà từ công ty thì mọi người phải giúp công ty hoàn thành nhiệm vụ tăng doanh số, rồi công ty sẽ hoàn lại cả vốn lẫn lãi ngay sau 3-5 phút. Thấy các thành viên thi nhau chuyển khoản, sau đó nhận lại được hoa hồng và lợi nhuận ngay nên tôi cũng tin theo… Mới đầu là chuyển đi mấy trăm nghìn thì tôi nhận lại ngay được cả gốc lẫn lãi, sau đó đến lệnh chuyển 1.950.000 đồng thì họ không chuyển lại và yêu cầu phải làm đủ 3 nhiệm vụ thì mới chuyển lại cùng tiền hoa hồng và quà tặng mình chọn trước đó", chị Hiển kể lại.

Càng tiếc tiền thì càng rơi vào bẫy lừa đảo



Tiếp tục được cho vào một nhóm Telegram khác có người tự xưng là Giám đốc kinh doanh của công ty, chị Hiển lại tiếp tục bị nhóm lừa đảo giăng bẫy với thủ đoạn tinh vi hơn.

Chị Hiển liên tục nhận được những tin nhắn của nhiều người khoe rằng nhận được quà và hoa hồng, khen chị là người may mắn và thúc giục chị làm theo hướng dẫn để được nhận quà. Cụ thể, để nhận được quà và hoa hồng, chị cần hoàn thành 3 nhiệm vụ, nhiệm vụ đầu tiên là chuyển đi số tiền ít nhất là 6.999.000 đồng.

Chỉ trong 5 tiếng tham gia cuộc chơi, Hiển bị lừa mất hơn 300 triệu đồng.


“Khi biết mình bị lừa, em quá sốc nên bị mất sữa, sốt cao liên tục 39-40 độ mấy ngày trời. Tâm trạng em lúc đó rối bời. Chỉ cần trong gia đình có ai lên tiếng trách móc là em không còn muốn sống nữa”, Hiển nhớ lại.

Chồng và người thân trong gia đình lo lắng mẹ bỉm sữa bị trầm cảm sau sinh, không ai trách móc mà chỉ hết lòng an ủi cô. “Vì em sinh con thứ 3 vẫn là con trai, cả nhà còn đùa rằng, khi xưa các cụ bảo tam nam bất phú, em phải thấy may mắn 'của đi thay người' rồi”.

Mọi người đều động viên cô nhanh chóng lấy lại tinh thần để chăm con, tập trung bán hàng lấy tiền trả nợ.





Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, bài viết của nick H.N thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận chỉ trong thời gian ngắn. Tại phần bình luận của bài viết, có rất nhiều nick cho biết họ đã từng bị các đối tượng xấu dùng chiêu trò này để lừa đảo và cũng có người đã phải mất tiền “học phí” khi tò mò làm theo hướng dẫn.

Nguyên nhân khiến họ dễ dàng “sụp bẫy” lừa đảo là do đối tượng lừa đảo tư vấn rất “hợp tình, hợp lý”, hướng dẫn cặn kẽ, thậm chí có trường hợp các đối tượng còn nắm được thông tin cá nhân, lịch sử mua hàng của nạn nhân nên dễ tạo được lòng tin. Nếu người nhận không tinh ý thì rất dễ bị các đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý, đưa vào tròng.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, các thủ đoạn lừa đảo như trên tuy không mới nhưng do biết cách biến hóa, đánh vào tâm lý của nạn nhân nên các đối tượng lừa đảo dễ dàng qua mặt nhiều người. Do đó, người dân cần trang bị những kiến thức, cập nhật thông tin, chia sẻ những bài học, những cảnh báo từ ngành chức năng để luôn tỉnh táo trước các thủ đoạn lừa đảo được biến hóa ngày càng tinh vi.

Đặc biệt, khi thấy số điện thoại lạ gọi đến, người dân không nên nghe và làm theo hướng dẫn; không bấm vào đường link từ những tin nhắn không rõ nguồn gốc gửi tới để tránh bị đánh cắp thông tin, mất tiền oan hoặc bị dẫn vào các nhóm kinh doanh bất hợp pháp; kịp thời báo cho các cơ quan chức năng nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật...

Nguồn tổng hợp